Keo dán 502 dính cuống trái cây có hại sức khỏe không?
Để bán được giá, nhiều người bán trái cây vẫn sử dụng keo dán 502 để dính cuống trái cây đã rụng. Các chuyên gia khuyến cáo, việc dùng như vậy gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bán được giá cao nhờ có cuống
Một tay cầm trái bưởi to tròn, một tay cầm cái núm quả vẫn còn chùm lá xanh mới mua ở chợ về, chị Đỗ Thị Nương ngụ tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM than thở: "Thấy bưởi năm roi ngon quá nên chọn quả còn cuống mua cho tươi, nào ngờ lại là cuống giả, cuống bị gắn bằng keo, vừa về đến nhà là rụng ra liền!".
Là chỗ thân quen, chị Hoa, một tiểu thương bán hàng trái cây tại chợ An Phú Đông, quận 12 không ngại "chia sẻ" với chúng tôi bí quyết dán cuống quả. Chị cho biết: "Keo con voi 502 được dùng để gắn cuống có độ dính nhanh nhất. Keo dễ dán nhưng cũng dễ gãy. Quả mà còn núm đa số là gắn keo, chứ hàng đổ thùng đổ xe đến bến bãi khó mà giữ nguyên núm quả, nhất là đối với quýt, bưởi. Quả còn núm lá xanh tươi bao giờ cũng được giá hơn và bán chạy hơn".
Chị Hoa hướng dẫn chúng tôi cách gắn keo không rớt ra ngoài vỏ quả để khi cắm cuống sẽ dính khít giống như thật. Chị Hoa và nhiều tiểu thương, thương lái bán và đổ mối hoa quả ở các chợ đều thừa nhận, việc dán như vậy khiến hàng bán chạy hơn.
Quả bưởi được dán cuống
Tại chợ căn cứ 26, chợ An Nhơn (quận Gò Vấp), chợ tạm ngã tư ga (quận 12)... những trái bưởi bày trên kệ núm quả nhiều lá xanh rì, trọng lượng mỗi quả không dưới 2kg, giá bán quả còn núm cành khoảng 35.000-40.000đ/kg, còn quả không cuống chất lượng tương tự, cùng là bưởi năm roi thì giá chỉ 20.000-25.000đ/kg. Quýt đường còn cuống lá giá 45.000-50.000đ/kg, không cuống chỉ 30.000-35.000đ/kg. Không chỉ dùng keo 502 dính cuống cho quýt, bưởi mà nhiều hoa quả khác cũng bị dính cuống bằng keo, nhất là vào những ngày lễ, rằm, khiến người mua khó phát hiện.
Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe
Theo TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm TP HCM, tuy chưa có phân tích mức độ độc hại của hóa chất từ keo ngấm vào thịt quả nhưng đã là hóa chất, sản phẩm dùng cho công nghiệp thì tuyệt đối không được dùng trực tiếp lên hàng hóa là hoa quả, thực phẩm.
Với keo 502, thành phần dung môi dễ dàng bay hơi sau ít phút ngoài không khí, nhưng những thành phần độc hại khác khó tan, vẫn tồn tại, người ăn phải dù với hàm lượng thấp, có thể không gây độc ngay nhưng sẽ tích lũy trong cơ thể, sau thời gian dài mới phát bệnh...
Hoa quả còn cuống sẽ bán được giá cao hơn
TS Hà Thúc Chí Nhân, Phó trưởng khoa Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết, keo 502 là dạng lỏng, thành phần chủ yếu là cyanoacrylate, methylene chloride, ethyl, acetate, dung môi toluene và một số phụ gia. Nếu ngửi methylene chloride liên tục trong thời gian dài thì hệ thống thần kinh trung ương sẽ bị tổn thương nặng dẫn đến nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, mất trí nhớ.
Một số khảo sát trên động vật cho thấy, động vật bị tổn thương gan, thận, hệ tim mạch và tăng tỷ lệ bị ung thư phổi, ung thư gan khi tiếp xúc lâu dài với dung môi này. Ngoài ra, ethyl acetate và dung môi toluene khi hít phải lượng nhiều cũng sẽ gây nên các biểu hiện tổn thương chủ yếu đến hệ thần kinh trung ương nhức đầu, nôn mửa, đau họng, chóng mặt, buồn ngủ, yếu người và gây mất ý thức.
Mặt khác, cũng do thành phần có trong keo là những hợp chất không tan, vón thành cục, sẽ thấm vào lớp vỏ quả có dạng xốp, người ăn phải số lượng nhiều sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, hệ tiêu hóa, nguy hiểm cho sức khỏe.
"Không chỉ có quả mà hoa và hạt cũng bị dùng keo dính để tăng giá. Ví dụ như hạt điều, những loại hạt xuất khẩu đã được kiểm định trước khi xuất hàng thì đạt tiêu chuẩn, nhưng những loại hạt tiêu thụ trong nước nếu còn nguyên hạt giá cao hơn. Những hạt bị vỡ do thu mua giá thấp nên đã có trường hợp người bán dùng keo dính lại thành hạt lành lặn bán giá cao. Loại quả vỏ mỏng như trái quýt và loại hạt người mua ăn trực tiếp mà dùng keo dính như vậy quá nguy hiểm cho sức khỏe", TS Phan Thế Đồng nói.
Người tiêu dùng khi mua các loại hoa quả cần kiểm tra kỹ phần vùng tiếp xúc giữa cuống với vỏ trái cây. Cầm trái lắc nhẹ nếu là cuống bị dán thì sẽ dễ dàng bị bong ra. Thường thì các cuống lá bị dính sẽ nhanh héo, nên người bán sẽ dán trong khoảng thời gian gần thời điểm bán, người mua có thể chạm tay vào xung quanh vùng cuống sẽ có cảm giác bị dính tay.
TS Hà Thúc Chí Nhân