Cảnh báo: Nhiều người mua phải cây táo nở hoa...dâm bụt
Chuyện thật như đùa: Giáp Tết, có những thương lái lừa đảo, “treo đầu dê bán thịt chó” dán keo những cây dâm bụt, cây mít sai trĩu những quả táo. Nhiều khách hàng chỉ biết bị lừa khi cây táo nhà bỗng nở hoa dâm bụt.
Táo đỏ cảnh được nhiều người ưa chuộng vì vừa có thể trang trí cho căn phòng nhỏ hẹp, vừa có trái để ăn. Giá của loại cây này dao động từ một đến 5 triệu đồng với dáng bonsai, đã có mặt trên thị trường nhiều năm qua. Thế nhưng, thời gian gần đây, trên đường phố xuất hiện nhan nhản loại cây này với giá rẻ hơn nhiều lần.
Theo anh Trần Công Nam, trưởng một nhóm đam mê cây cảnh trên mạng xã hội, "Từ tháng 10, nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện những thương lái nhỏ chở hàng loạt cây táo bonsai đi bán với giá từ 100 nghìn đồng. Không ít thành viên trong nhóm của mình từ Bắc vào Nam cũng bị mắc lừa".
Anh Nam cho biết thêm, rất khó để nhận ra thủ thuật của người bán cây nếu người mua chưa từng nhìn thấy cây táo đỏ, hoặc không để ý kỹ đặc điểm của nó. Cụ thể, táo sẽ được dán tỉ mỉ vào cành của cây dâm bụt bằng keo, không thể nhìn thấy được vết dán. Những thân cây này còn được uốn dáng khá đẹp, không thua kém hàng bonsai thật nếu nhìn sơ qua.
Không khó để bắt gặp những người lái xe máy chở hàng chục cây táo dán dâm bụt đi bán trên đường. Những lời mời chào như "táo chuẩn Trung Quốc", "táo chín sớm bán rẻ" được người bán sử dụng để lôi kéo khách hàng.
Cây táo dâm bụt có giá từ 200 đến 500 nghìn đồng, tùy dáng và kích thước, không chỉ qua mắt được những người chơi thông thường mà còn lừa được cả một số người buôn cây cảnh. Vì nhìn bên ngoài, cả trái và lá cây đều tươi tốt, để gần một tháng trái cũng không héo.
Chị Đặng Thị Huệ, một chủ cửa hàng bán lẻ cây cảnh ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Trước giờ tôi nghe nhiều khách hàng hỏi mua táo nên tôi cũng nhập về 500 cây bán thử. Bán được một nửa thì một tuần sau nửa kia lên hoa đỏ um, thế mới biết mình bị lừa". Chị Huệ còn từng gặp đồng nghiệp mua được cây táo thật, nhưng trái vẫn dán bằng keo, bán với giá vài triệu đồng.
"Chỉ với một mánh khóe nhỏ, cây đã có thể đội giá lên gấp 10 lần. Như tôi mua một cây với giá 500 nghìn, về đến nhà mở mạng lên xem mới biết giá táo đỏ chưa tới 50 nghìn/kg, còn cây dâm bụt cao lắm được 50 nghìn", chị Trần Thị Thu (Đắk Lắk) cho biết.
Còn chị Hương ở Cần Thơ cười xòa: "Mình không bị lừa mà ông chồng mình bị lừa mới bực. Lúc mua mình đã nhắc nhở rồi, về thấy hoa nở bung bét lại nói sao không cản".
Theo anh Nam, người có hơn 10 năm chơi cây cảnh: "Đặc điểm dễ nhận biết nhất của hai loại cây là lá. Lá cây táo thuộc họ lá rộng, như đại đa số những loại lá cây khác (hình bầu dục), còn lá của cây dâm bụt có nhiều răng cưa trên phiến lá, có những lá chia ra thành 3 chĩa như lá phong".
Anh Nam cũng khuyến nghị, nếu đã lỡ mua về, mọi người có thể để chơi một thời gian, nhưng tuyệt đối không nên ăn quả vì có thể có chất bảo quản độc hại.
--Theo VnExpress--